Để có trong tay một tấm bằng nghề nghiệp, trung bình chúng ta chỉ mất khoảng 1,5 – 4 năm. Tuy nhiên, để có tấm bằng về kỹ năng làm việc thì chưa có một đáp án chính xác để trả lời. Có những bạn sau khi tốt nghiệp chỉ mất khoảng vài tháng, vài năm để hình thành thói quen làm việc, tư duy làm việc,… nhưng cũng có những trường hợp phải mất vài ba năm, năm năm hoặc lâu hơn thế. Tùy vào thái độ, suy nghĩ và cái tâm làm việc của mỗi người. Bài viết của tác giả Nguyễn Phi Vân (Chủ tịch công ty Retail & Franchise Asia) chia sẻ về kỹ năng làm việc dành cho tất cả chúng ta những ai đã, đang và sắp sửa đi làm. Các bạn sinh viên cùng tham khảo nhé.
REJECTION
Hồi đi làm tập đoàn, tôi được mệnh danh là cái máy sản xuất ý tưởng – idea generator. Công việc, mà cứ vậy làm hoài, có một cái qui trình bám vô hoài, không nghĩ ra được chút cải tiến, sáng tạo nào, thì chán đến mục rữa ra. Thường, người đi làm không sáng tạo nổi là do hai trường hợp sau đây.
Một là ta làm nhưng không làm, nghĩa là chả để chút tâm nào vô đó, chẳng hứng thú gì với việc mình làm, làm việc chỉ để lãnh lương chứ không có chút khái niệm gì về đóng góp cho mục đích lớn hơn của công việc, ngành nghề cho cuộc sống, cho cộng đồng hay xã hội. Cuối cùng, bạn chỉ xem mình như cái thân tầm gởi, treo lủng lẳng cho hết giờ. Ngày nào cũng thế. Ngày nào cũng thế, cho đến khi bạn sick – phát bệnh vì công việc mình đang làm. Bạn trầm cảm và hỏi mình, sao cuộc đời bất công, sao ta phải làm chuyện mình không thích. Ủa, chọn công việc nào, chọn làm việc bao lâu, chọn con đường mình bước tới trong đời là chuyện riêng của bạn mà. Bạn thò tay ngắt đúng cái mình không thích, đúng thứ chỉ để lãnh lương, đúng nơi để đẩy cho người ta trách nhiệm phải chăm lo cái thân tầm gởi. Sao tự nhiên lại đi trách người đời, trách cái thân cây đang cho bạn gởi? Tính tôi, thấy ai đang sống thân tầm gởi, thì hay nói thẳng. Đời chả có bao nhiêu ngày nắng đẹp. Phải cố gắng tìm cho được những việc mình vừa thích làm, vừa nuôi sống được bản thân. Đừng đổ thừa cơm áo không đùa với khách thơ. Where there is a will, there is a way – Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường. Tại vì bị thì là, chỉ là lựa chọn quá dễ dàng để chối đẩy trách nhiệm cho người khác. There is always a way – Luôn có một con đường, nếu ta nghiêm túc dành thời gian suy nghĩ.
Không cải tiến, sáng tạo được, loại thứ hai là sợ rejection – cảm giác bị phủ nhận, từ chối, không công nhận vì đủ thứ lý do. Có người sợ nói ra người ta bảo mình dốt. Có người sợ nói ra mất lòng người khác. Có người sợ trách nhiệm, đưa ra ý kiến lại thêm việc. Có người sợ nói ra mà triển khai không xong thì thất bại. Vân vân và vân vân. Nếu mở cuộc thi ý tưởng tìm cách để đổ thừa, chắc Việt Nam tham gia hăng hái nhất. Chung qui, là bạn sợ hậu quả của rejection. Mà nếu đã sợ, não nó bị block rồi, đố mà sáng tạo. Sợ, phần lớn bị ảnh hưởng bởi môi trường và giáo dục. Khi môi trường giáo dục chỉ cho con người ta một cách để giải quyết vấn đề, đúng thì mới có điểm cao, khi môi trường xã hội định nghĩa thành công là rất nhiều tiền, khi tất cả mọi người xung quanh dè bỉu, coi thường người vừa ngã xuống, ai dĩ nhiên cũng đâm ra sợ hãi. Môi trường thế, nó đè bẹp sức và khả năng sáng tạo. Cho nên, nếu muốn thoát ra để sáng tạo, ta sẽ phải tập trung giải mã cho chính bộ não của mình, recondition – tái định nghĩa cho não khả năng mở cửa đón chào thất bại, và qua đó cho phép bản thân thoải mái tạo ra ý tưởng. Đây là ba điều bạn có thể áp dụng hôm nay nhé. Không được, ta lại nghĩ ra cách khác. Đã nói là sáng tạo mà. Thua keo này ta bày keo khác. Làm gì có ranh giới không thể vượt qua.
1. Acknowledge & prepare for rejection – Nhận thức & chuẩn bị cho thất bại: nếu đã đọc về tư duy thiết kế – design thinking, bạn sẽ thấy là người ta khuyên cứ làm thử rồi triển khai thử nghiệm mọi ý tưởng. Không được thì cải tiến. Không xong thì làm lại. Cho nên, có khi startup với 1 ý tưởng nhưng khi thương mại hoá lại là một mô hình hoàn toàn khác. Mình adapt – thay đổi theo nhu cầu thôi. Ai không thay đổi, thử đi thử lại, và đủ dũng cảm để bỏ luôn ý tưởng không khả thi của mình, thì người đó tự rước khổ vào thân. Làm gì có ý tưởng bất khả chiến bại, hoàn hảo, và thông minh nhất. Trừ phi, bạn nghĩ ra một ý tưởng chỉ để phục vụ riêng mình?
2. Find opportunities in rejection – Tìm cơ hội trong thất bại: cách tôi vận hành, sai thì nhận là sai, dở thì tìm cách sửa chữa hay cải tiến, không có ngồi đó defend – tìm cách che đậy rồi cố tỏ ra là mình rất thành công. Đơn giản là vì, tôi cảm thấy more excited – hứng khởi hơn với những cơ hội mới để làm những điều hay ho, sáng tạo hơn, khi vấp ngã. Té sấp mặt cũng có cái lợi của nó nha. Nó làm ta ngừng đạp xe theo lối mòn qua lại mỗi ngày. Nó khiến ta dừng lại, hoảng hồn, và suy nghĩ khác. Khi ta biết nhìn thấy điều tích cực trong mọi thử thách gian nan, ấy là khi ta chưa làm gì đã thành công. Thái độ, nó quyết định đến 50% chuyện ta có khả năng biến ý tưởng thành hiện thực. Chưa làm đã sợ thì thôi khỏi mất thời gian. Chưa ra trận đã nhận thua rồi đó.
3. Focus on growth mindset – Tập trung phát triển tư duy mở: trong cuốn Tôi, tương lai, và thế giới, tôi dành hẳn một chương để viết về tư duy đóng, tư duy mở, và hướng dẫn mọi người cách rèn luyện tư duy mở. Tư duy đóng, nghĩa là thứ gì cũng không được, nhìn đâu cũng thấy khó khăn, trở ngại, rồi đâm ra sợ hãi. Tư duy mở, là khi anything is possible – chuyện gì cũng là có thể, chỉ là tìm sao cho ra cách giải quyết phù hợp nhất mà thôi, với không gian đó, thời gian đó, nguồn lực đó.
Rejection là thứ bạn tự mang ra chỉ để hù mình. Bạn không sợ, nó không tồn tại. Bạn sợ, nó to như con voi nằm lăn lộn ở giữa phòng. Thay đổi chính mình, rồi tìm cộng đồng những người tích cực quanh mình, bạn sẽ có thể nuôi nấng cho bản thân trở thành idea generator – máy sản xuất và triển khai ý tưởng. Cuộc đời, dù là sự nghiệp hay đời sống, sẽ luôn hay ho hơn, tích cực hơn, đáng sống hơn là tấm thân tầm gởi giữa chiều tà.
tác giả: Nguyễn Phi Vân